Chi tiết - Ban Dân tộc

Ngày 18/7/2018, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND phê duyệt Đề án “Chính sách hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã khu III, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019-2022” với tổng kinh phí 8.627 triệu đồng. Trong đó, kinh phí tạo mặt bằng đất ở ngân sách tỉnh bố trí 100%, kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSD) ngân sách tỉnh bố trí 80% kinh phí và ngân sách huyện bố trí 20%. Đây là chính sách của địa phương nhằm thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thể hiện sự quan tâm của tỉnh Quảng Trị đối với đồng bào ở vùng khó khăn thuộc địa bàn miền núi tỉnh nhà. 

  Để cụ thể hóa Nghị quyết, Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5062/KH-UBND ngày 8/11/2018 và các văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách. Bên cạnh đó Ban Dân tộc cũng ban hành một số văn bản hướng dẫn lồng ghép nguồn vốn từ chương trình, chính sách khác để các địa phương tổ chức thực hiện. 

  Sau 2 năm thực hiện, các địa phương đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể: Có 1.123 hộ gia đình ở huyện Hướng Hóa nhận kinh phí để tạo mặt bằng đất ở (600.000 đồng/hộ) đạt 94,5% so Đề án; có 283 hộ gia đình ở các huyện Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh được nhận giấy CNQSD đất sản xuất, đạt 10,2% so Đề án  (trong đó, có 84 giấy CNQSD đất ở và 199 giấy CNQSD đất sản xuất). Ngân sách tỉnh đã cấp: 3.445 triệu đồng đạt 39,9% so Đề án phê duyệt. Ngoài ra, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, ngày 26/10/2018 UBND huyện Hướng Hóa đã ban hành Quyết định số 4069/QĐ-UBND để thực hiện cấp giấy CNQSD đất cho đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số ngoài đối tượng hưởng lợi theo Nghị quyết, theo đó, có 207 hộ gia đình được nhận giấy CNQSD đối với đất sản xuât.

 

 

Hộ gia đình có người khuyết tật - Hồ Văn Chế, xã Húc Nghì

 được hỗ trợ tạo mặt bằng đất ở

 

  Nhằm đánh giá tác động của chính sách đối với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số cũng như những bất cập tồn tại trong quá trình triển khai Nghị quyết, đồng thời đề xuất những giải pháp thực hiện hiệu quả trong thời gian tới, thông qua dự án “Thúc đẩy tiếp cận đất ở và đất nông nghiệp cho hộ gia đình có người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông” do Đại sứ quán vương quốc Hà Lan tài trợ, Ban Dân tộc đã phối hợp với Ủy ban Y tế Hà Lan –Việt Nam (MCNV) tiến hành khảo sát kết quả thực hiện chính sách ở địa bàn 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Đakrông và Hướng Hóa. 

  Với kết quả khảo sát thu được, ngày 29/01/2021 hai đơn vị đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh”. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm tham gia của đại diện các ban ngành cấp tỉnh (Ban Dân tộc - Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh, Hội người khuyết tât, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật & bảo vệ quyền trẻ em tỉnh), lãnh đạo UBND huyện, các phòng chuyên môn và các xã, thị trấn liên quan.

 

 

 

 

Lãnh đạo Ban Dân tộc và Ủy ban Y tế Hà Lan –Việt Nam (MCNV) 

điều hành Hội thảo

 

  Tại Hội thảo các đại biểu đã chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, tồn tại trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 10/2018/NQ-HĐND như: Ngân sách tỉnh hỗ trợ cấp giấy CNQSD đất trên cơ sở hỗ trợ đất sản xuất từ nguồn kinh phí theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng kinh phí từ Trung ương hỗ trợ quá ít, do đó các năm về sau khó thực hiện cấp giấy CNQSD đất theo Kế hoạch số 5062/KH-UBND của UBND tỉnh và sẽ ảnh hưởng mục tiêu Nghị quyết đề ra; Công tác tổ chức tuyên truyền phổ biến chính sách chưa quyết liệt, chưa có sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể với các phòng chuyên môn của huyện và UBND các xã để phổ biến đến hộ gia đình. Do đó, một bộ phận người dân chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa của chính sách và tham gia hưởng ứng chưa cao; UBND huyện giao các phòng chuyên môn triển khai thực hiện, nhưng thiếu quan tâm đôn đốc; Xác định hộ gia đình thiếu đất sản xuất đa phần các địa phương thống kê theo kê khai từ hộ gia đình, thiếu dữ liệu bản đồ, hồ sơ lưu trữ... Công tác quản lý hồ sơ đất đai một số địa phương chưa chính xác giữa dữ liệu bản đồ và vị trí đất trên thực địa cũng như về nguồn gốc đất hộ gia đình đang sử dụng, do đó việc xác minh và thực hiện các thủ tục đo đạc, cấp giấy CNQSD đất mất rất nhiều thời gian; Các huyện sử dụng nguồn ngân sách tỉnh phân bổ để thực hiện chính sách, chưa bố trí ngân sách huyện theo tinh thần của Nghị quyết đề ra, qua 2 năm triển khai, chỉ có huyện Gio Linh bố trí 20% ngân sách huyện theo quy định; Nghị quyết quy định chi phí đo đạc, lập bản đồ, cấp giấy CNQSD đất là 2 triệu đồng cho mỗi hộ với dự toán đo đạc 1-2 thửa/1 hộ. Qua thực tế khi đo đạc lập bản đồ rất nhiều hộ có trên 3 thửa đất và tổng diện tích hơn 2ha/hộ, do đó chí phí tăng nhiểu so dự kiến; Có địa phương đã thực hiện giao đất theo hình thức nhóm hộ gia đình (6-8 hộ/nhóm) như ở huyện Gio Linh.

 

 

 

Đại diện xã Linh Trường phát biểu tham gia ý kiến tại Hội thảo

 

  Cũng tại Hội thảo các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt  Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND trong thời gian tới: Đối với cấp tỉnh, ngoài hình thức cấp giấy CNQSD đất theo hình thức hộ gia đình riêng lẽ, cần xem xét bổ sung thêm hình thức cấp giấy CNQSD đất theo nhóm hộ gia đình, đồng thời bố trí ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% để thực hiện Nghị quyết hoàn thành đúng tiến độ. Đối với cấp huyện, cấp xã, cần tập trung rà soát lại các đối tượng hỗ trợ và rà soát quỹ đất để làm việc với các chủ rừng có liên quan nhằm thống nhất diện tích, vị trí phù hợp, trình UBND tỉnh xem xét thu hồi, phục vụ thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh; UBND huyện cần quan tâm chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách để nhân dân trên địa bàn hiểu rõ, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện; UBND xã cần phối hợp các phòng, ban chuyên môn huyện rà soát nắm chính xác vị trí đất đai của hộ gia đình, đối tượng hỗ trợ để xem xét trình cấp trên hỗ trợ.

  Với hy vọng rằng sau Hội thảo, các cơ quan, ban ngành từ tỉnh đến huyện, xã có cách nhìn, hành động tích cực cùng với sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của người dân để Nghị quyết 10/2018/NQ-HĐND được thực hiện thành công theo tiến độ đề ra.

 

Tin và ảnh: Võ Văn Phước

 
ab
Chương trình 135
Điều tra 53 dân tộc

Đang truy cập: 9

Hôm nay: 789

Tổng lượt truy cập: 2.268.272