Chi tiết - Ban Dân tộc

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm chú trọng đến sự nghiệp giáo dục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường, đồng thời góp phần củng cố, duy trì phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau khi có Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 23/5/2017 HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND Quy định khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đến trường và trở về nhà trong ngày; tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đây là một chính sách lớn của Nhà nước mang đầy tính nhân văn và ưu việt nhằm hỗ trợ cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện đến trường.

 

Giờ lên lớp của các em học sịnh tại trường PTDTBT THCS Pa Nang xã Pa Nang, huyện ĐaKrông

Để đảm bảo công bằng trong quá trình thực hiện, Nghị quyết đã quy định học sinh có một trong các điều kiện sau sẽ được thụ hưởng chính sách: Học sinh bán trú đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú; bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn; vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Cùng với đó, chính sách cũng hướng đến đối tượng học sinh nhà ở xa trường với khoảng cách từ nhà đến trường từ 4 km trở lên đối với học sinh Tiểu học; từ 7 km trở lên đối với học sinh Trung học cơ sở; từ 10 km trở lên đối với học sinh Trung học phổ thông. Trường hợp học sinh đi học phải qua địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn phải đi qua sông, suối (không có cầu); qua đèo núi cao, vùng sạt lở đất, đá có thể gây mất an toàn đối với học sinh cũng được quy định chính sách thụ hưởng cụ thể trong Nghị quyết. Kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh đối với trường Phổ thông dân tộc bán trú có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh được hỗ trợ theo định mức khoán kinh phí bằng 200% mức lương cơ sở/1 tháng/30 học sinh; trường hợp trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách thì được thực hiện như sau: nếu số lượng học sinh nấu ăn tập trung từ 20 học sinh đến 29 học sinh thì được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí bằng 200% mức lương cơ sở/01tháng/trường và không quá 9 tháng/01năm. Đối với những học sinh phải tự túc chỗ ăn, ở do nhà trường không thể bố trí bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương cơ sở và được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo nhưng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

 

Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Pa Nang, huyện ĐaKrông trong giờ ăn trưa

Qua khảo sát ở địa bàn huyện Đakrông cho thấy: Từ năm 2017 đến nay, hàng năm đã có gần 1.700 học sinh được thụ hưởng chính sách. Kinh phí nhà nước hỗ trợ mỗi năm hơn 10 tỷ đồng và khoảng 230 tấn gạo. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất ở các trường bán trú cũng đã được qua tâm đầu tư. Các công trình nhà ở, nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh… đã được xây dựng, sửa chữa đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt bán trú của học sinh. Các thiết bị sinh hoạt văn hóa, thể thao như dụng cụ thể dục, nhạc cụ, máy thu hình… được trang cấp, giúp cho các em vui chơi, quên đi nỗi nhớ nhà và tích cực đến trường hơn.

Thông qua chính sách này, đồng bào dân tộc thiểu số đã yên tâm hơn khi cho con em mình đến trường; nhờ đó mà sỹ số các lớp học hàng năm được duy trì và tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi càng tăng. Năm học 2019 – 2020, mặc dù có ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh Covid-19 nhưng số lượng học sinh ở vùng dân tộc thiểu số đến trường vẫn đảm bảo. Trong đó, tỷ lệ trẻ em mầm non đến trường là 97,33%; tỷ lệ nhập học đúng tuổi bậc tiểu học là 98,14% và tỷ lệ trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học là 99,7%.

Có thể nói rằng Nghị định 116/2016/NÐ-CP của Chính phủ đã mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nguyện vọng của phụ huynh và học sinh, góp phần giảm bớt những khó khăn về vật chất, cải thiện được cuộc sống, chấm dứt tình trạng các em bỏ học vì đói nghèo, tạo điều kiện cho học sinh người dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị trong hành trình đi tìm con chữ giữa đại ngàn Trường Sơn./.

 

Bài và ảnh: Lê Ngọc Thi

Hiệp định CPTPP và EVFTA
EVFTA
ab
Chương trình 135
Điều tra 53 dân tộc

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 18

Tổng lượt truy cập: 2.165.925