Chi tiết - Ban Dân tộc

Trong thời gian qua, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) đã phối hợp với các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị triển khai các dự án phát triển cộng đồng tại khu vực miền núi phía Bắc huyện Hướng Hóa. Mục tiêu của dự án hướng đến sinh kế của người dân gắn với quản lý tài nguyên rừng bền vững. Lâm sản ngoài gỗ và du lịch cộng đồng được xác định là tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế tại các cộng đồng sống gần rừng hoặc được giao rừng.

Dự án đã tiến hành khảo sát nguồn nguyên liệu, xác định nhu cầu thị trường và từng bước hỗ trợ cho người dân tổ chức sản xuất thông qua các hoạt động: đào tạo nghề, thành lập nhóm sản xuất và kết nối thị trường. Với lợi thế là địa phương được thiên nhiên ban tặng nguồn vật liệu là tre, nứa, đến nay tại các xã Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn và Hướng Phùng đã có 6 nhóm sản xuất được thành lập với 60 thành viên. Được sự hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện sản xuất, các nhóm đã cho ra dòng sản phẩm chính bao gồm: ống hút tre, bộ dụng cụ ăn, ống nhang, hộp đựng trà, ly nước, cốc nến thơm... Thời gian tới, các nhóm sản xuất tiếp tục phát triển các sản phẩm mới là bàn, ghế mây, tre. Lực lượng lao động được huy động tham gia vào hoạt động của các nhóm bao gồm phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số chưa có việc làm...

 

 

Hoạt động đào tạo nghề cho thành viên các nhóm

 Từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc thiểu số, các sản phẩm thân thiện với môi trường ở vùng đất Hướng Hóa đã vươn xa đến Đà Nẵng, Hội An... mang lại hy vọng thoát nghèo cho người dân nơi đây.

 

Phụ nữ nhóm thôn Chênh Vênh sản xuất ống hút tre

 

Các sản phẩm thương hiệu Krơng Aho tại các xã Bắc Hướng Hóa

Các hoạt động sinh kế mới từ việc sản xuất các sản phẩm mây, tre đã góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương, đặc biệt là tạo cơ hội cho thanh niên (là lực lượng trụ cột gia đình) có việc làm và thu nhập ổn định, không phải bôn ba xứ người để mưu sinh. Vấn đề đầu ra của các sản phẩm cũng đã được tính đến. Hiện nay, nhóm sản xuất ở thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng) đã được công ty Hội An Roastery (thành phố Hội An) bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh hỗ trợ sinh kế cho người dân, các hoạt động của dự án góp phần thúc đẩy trách nhiệm quản lý rừng bền vững đối với người dân địa phương. Để các hoạt động của dự án đi vào chiều sâu, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam đang hỗ trợ thành lập hợp tác xã dịch vụ sản xuất mây tre và du lịch tại xã Hướng Phùng nhằm liên kết giữa các nhóm sản xuất mây, tre với các điểm du lịch cộng đồng.

Với trọng tâm là khai thác, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên nước, các loại lâm sản ngoài gỗ, trong thời gian qua, dự án đã hỗ trợ các ban quản lý rừng cộng đồng, các tổ bảo vệ rừng về kiến thức, phương tiện và hình thành quỹ bảo vệ rừng cộng đồng để giúp người dân có đủ năng lực và tài chính trong công tác bảo vệ rừng được giao. Đến nay ban quản lý rừng cộng đồng ở xã Hướng Phùng và Hướng Sơn đã được cấp “Chứng chỉ rừng”.

Nhằm duy trì nguồn nguyên liệu bền vững cũng như gia tăng giá trị cho sản phẩm, dự án đã hỗ trợ các hoạt động như: trồng mới rừng tại xã Hướng Phùng và Hướng Sơn, điều tra trữ lượng mây tre và lập phương án quản lý, khai thác mây tre bền vững; thí điểm đánh giá chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC cho các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ tại hai khu vực rừng ở thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng) và thôn Hồ (xã Hướng Sơn). 


Điều tra trữ lượng mây, tre tại thôn Hồ (Hướng Sơn)

 

Trồng rừng tại thôn Mã Lai-Pun (Hướng Phùng)

Những kết quả ban đầu của các nhóm sản xuất đã mở ra một hướng đi mới mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân, phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; góp phần chuyển biến tích cực trong suy nghĩ, cách làm của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh nhà. Trong thời gian tới, khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trong giai đoạn 2021-2025, các ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn người dân phát huy lợi thế của mỗi vùng để xây dựng những mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp nhằm tạo nên bước đi vững chắc trong tiến trình phát triển ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thực hiện thành công Nghị quyết số 88/2019/NQ-QH14 của Quốc hội khóa XIV về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030./.

Tác giả: Lê Ngọc Thi

 
ab
Chương trình 135
Điều tra 53 dân tộc

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 776

Tổng lượt truy cập: 2.268.259