Quá trình phát triển - Ban Dân tộc

1. Ban Chỉ đạo miền núi khu vực Vĩnh Linh (tháng 8/1958)

Tháng 5 năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp của ta hoàn toàn thắng lợi. Thực hiện hiệp định Giơnevơ, Quảng Trị là giới tuyến tạm thời của hai miền Nam - Bắc, đợi ngày Tổng tuyển cử thống nhất Tổ quốc. Nhưng đế quốc Mỹ và các thế lực phản động tráo trở phá hoại Hiệp định đã ký kết. Chúng ra sức đàn áp phong trào cách mạng, khủng bố nhân dân hết sức ác liệt và dùng mọi âm mưu thủ đoạn xảo quyệt để chia rẽ dân tộc, chia rẽ Kinh - Thượng, dụ dỗ mua chuộc, lôi kéo kích động để đánh phá hậu cứ cách mạng, cắt đứt hành lang nối liền hậu phương với tuyền tuyến, hòng bắt nhân dân các dân tộc thiểu số phải khuất phục. Tội ác và sự tàn bạo  của Mỹ - Diệm tại vùng miền núi Quảng Trị vào sáng ngày 8 tháng 7 năm 1955, đã giết chết 92 người vô tội ở thôn Tân Hiệp, Tân Lập ở xã Hướng Điền (nay là xã Tà Rụt, huyện Đakrông) đến mức “cái hung dữ của gió Nam Lào cũng phải run rẫy trước nó”.

Trước tình hình đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 - Khoá II của Đảng về Cách mạng Miền Nam chỉ rõ: ”Vùng miền núi được xác định là vùng chiến lược quan trọng, các dân tộc thiểu số là lực lượng to lớn của cách mạng”. Tháng 8 năm 1958, Đảng uỷ khu vực Vĩnh Linh thành lập Ban Chỉ đạo miền núi để chỉ đạo đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia kháng chiến, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chính sách đoàn kết, vạch trần âm mưu thủ đoạn của kẻ địch, vận động đồng bào đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống và ủng hộ cách mạng, bảo vệ che dấu cơ sở, ủng hộ lương thực để nuôi quân.

Ban Chỉ đạo miền núi đã đi sâu nghiên cứu, nắm sát tình hình ở các vùng dân tộc miền núi, tham mưu cho Khu uỷ, Uỷ ban kháng chiến để có chủ trương, chính sách và biện pháp giải quyết đúng đắn, kịp thời. Đặc biệt đã có nhiều phương pháp, cách làm phù hợp với đặc điểm tâm lý, tập quán, truyền thống của dân tộc nên được đồng bào tiếp thu nhanh và thực hiện đạt nhiều kết quả tốt.

2. Ban Cán sự miền Tây (năm 1968)

Đến năm 1968 khi chiến tranh ở miền Nam đi vào giai đoạn ác liệt, một số cán bộ và nhân dân ở phía Nam (Hướng Hoá, Cam Lộ) chuyển ra khu vực Vĩnh Linh được Ban tiếp nhận, bố trí ổn định nơi ăn, chốn ở và tổ chức sản xuất, tạo điều kiện cho con em được học hành, đào tạo cán bộ cơ sở để tăng cường vào phía Nam phục vụ chiến đấu, công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ở phía Nam, Khu uỷ Trị Thiên - Huế thành lập Ban Cán sự miền Tây lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất, xây dựng vùng căn cứ, phát triển lực lượng tại chổ, tạo cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng. Đảng uỷ miền Tây đã chỉ đạo Huyện uỷ Hướng Hoá tổ chức cho đồng bào Vân Kiều, Pa Cô khai hội Diên Hồng, mở hội thề kết nghĩa “Đoàn kết một lòng theo Đảng và Bác Hồ đến cùng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ làng bản, kiên quyết đấu tranh chống Mỹ Diệm, thống nhất Tổ quốc”.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày một gay go và quyết liệt, kẻ thù tìm mọi cách kể cả rải chất độc hoá học, ném hàng ngàn tấn bom, thực hiện hàng trăm cuộc càn quét ở vùng miền núi nhưng không thể đè bẹp ý chí cách mạng của quân và dân trong tỉnh nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng. Ban Cán sự miền Tây cử một đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số của tỉnh ra miền Bắc thăm và được gặp Bác Hồ kính yêu, trong đó có bà Pi Ra Dắc. Bà Pi Ra Dắc vinh dự đã được Bác đặt tên là Hồ Thị Đá, khẳng định tấm lòng sắt son với cách mạng và vững chải như đá trước kẻ thù.

Thực hiện phong trào thi đua sản xuất giỏi đồng bào khắp các bản làng hưởng ứng vót hơn 2 triệu cái chông, gài gần 2 vạn bẩy các loại, đào hơn 15.000 hầm chông. Nhiều cán bộ cơ sở được cài vào hoạt động trong lòng địch đã hoạt động mưu trí, dũng cảm dù bị địch tra tấn dã man nhưng quyết không khai nữa lời. Gương anh Hồ Viết Thắng, du kích thôn A Đăng, xã Tà Rụt đã dùng súng trường bắn rơi chiếc máy bay L19, giết chết tên phi công và bắt sống một tên khác đã tô điểm thêm trang sử đấu tranh vẻ vang của đồng bào dân tộc. Ngoài những đóng góp trong chiến đấu, đồng bào các dân tộc thiểu số còn tham gia nhiều hoạt động khác như bảo vệ cơ sở bí mật  cách mạng, bảo vệ an toàn chiến khu Ba Lòng; giúp đỡ cán bộ, tiếp lương, tải đạn, đào hầm, dẫn đường liên lạc... Ở các xã Hướng Hiệp, Mò Ó đồng bào hưởng ứng chủ trương của cách mạng đã tổ chức nhân dân phá ấp chiến lược của kẻ địch, đưa cán bộ về các vùng sâu, vùng xa để hoạt động; che dấu cán bộ, nuôi dưỡng thương binh; đập tan các cuộc càn quét của địch ở ấp Tân Tường quận Cam Lộ, ấp Cù Đinh - Ba De quận Gio Linh, ấp A Rồng quận Hướng Hoá...Vận động con em bỏ hàng ngũ của địch về với cách mạng và gia đình.

Trong hoàn cảnh thiếu đói, khổ cực nhưng đồng bào thắt lưng, bóp bụng để ủng hộ cách mạng gần 250 tấn lương thực và thực phẩm. Đồng bào quyết tâm thực hiện tốt chủ trương “Một tấc không đi, một ly không rời" bám đất giữ làng, vừa bảo vệ cách mạng vừa sản xuất để giải quyết đời sống tại chổ. Mặt khác chống lại kế hoạch dồn dân lập ấp của địch, vận động con em lên đường tham gia các lực lượng vũ trang trực tiếp chiến đấu.

Với tấm lòng thuỷ chung son sắt đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu, với những đóng góp quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh nhà được vinh dự mang họ Hồ của Bác, lập nên những chiến công vẽ vang góp phần cùng cả tỉnh giải phóng quê hương Quảng Trị thân yêu năm 1972. 16 xã miền núi, 5 cá nhân được danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, 13 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 1.164 gia đình có con em đã anh dũng hy sinh được công nhận là liệt sỹ, gần 1.200 gia đình được công nhận là có công với nước; quân và dân huyện Hướng Hoá được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang là những gì mà Đảng và Nhà nước các thế hệ hôm nay, mai sau  mãi mãi ghi nhận và tự hào.

3. Ban Dân tộc tỉnh Bình Trị Thiên (năm 1976)

Sau khi đất nước thống nhất, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc. Đó là: Thực hiện cuộc vận động định canh - định cư gắn liền với hợp tác hoá, thuỷ lợi hoá; Nhà nước tăng cường đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế và thực hiện các chính sách xã hội, tăng cường đoàn kết dân tộc.

Năm 1976, tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất từ ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Ban Dân tộc trực thuộc Tỉnh uỷ, thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là theo dõi, kiểm tra và tổng hợp tình hình chấp hành đường lối chính sách của tỉnh về vấn đề dân tộc; phối hợp chỉ đạo vận động và tổ chức nhân dân trở về quê hương sớm ổn định nơi ăn, chốn ở, kịp thời phát triển sản xuất, củng cố chính quyền cơ sở, tuyên truyền đường lối chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng.

Đây là giai đoạn mà nền kinh tế cả nước khó khăn về mọi mặt, đối với miền núi Quảng Trị lại càng khó khăn hơn. Đồng bào dân tộc Vân KiềuPa Cô đi sơ tán từ đất bạn Lào trở về trên mảnh đất bạc màu đầy bom đạn chiến tranh; kết cấu hạ tầng phục vụ xã hội và dân sinh không có. Nhưng với ý chí và quyết tâm mãnh liệt, Ban Dân tộc tỉnh Bình Trị Thiên đã phối hợp chỉ đạo, vận động nhân dân định canh định cư, hình thành tuyến dân cư các xã vùng Lìa, khai hoang ruộng nước, dãn dân lập vườn. Tất cả chỉ vì đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô trên vùng đất hồi sinh, một huyện miền núi Hướng Hoá kiểu mẫu như lời dặn dò của đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

4. Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Quảng Trị (năm 1994)         

Tháng 7 năm 1989 tỉnh Quảng Trị được tái lập. Từ một bộ phận làm công tác Dân tộc trực thuộc UBMTTQ Việt Nam tỉnh đến năm 1992 được UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Miền núi trực thuộc UBND tỉnh. Năm 1994 đổi tên thành Ban Dân tộc và Miền núi.

Vượt qua những khó khăn ban đầu như nhân lực ít, phương tiện làm việc thiếu thốn, địa bàn công tác rộng…,Ban Dân tộc và Miền Núi đã tổ chức và thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực dân tộc và miền núi,  thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự uỷ quyền của UBND tỉnh đảm bảo sự thống nhất quản lý từ tỉnh đến cơ sở.

Tập trung thực hiện Nghị quyết 22/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 72/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Nghị quyết số 01/NQ-TU của Tỉnh uỷ Quảng Trị khoá 12 và nhiều chính sách khác hỗ trợ ở vùng dân tộc và miền núi nhằm tăng cường đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh nhịp độ phát triển kinh tế hàng hoá, thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, kết hợp với giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội ở miền núi.

Trên cơ sở các chính sách, văn bản hướng dẫn của Trung ương, Ban Dân tộc và Miền núi đã tham mưu UBND tỉnh trong việc phân định 3 khu vực miền núi theo trình độ phát triển, phân định khu vực vùng cao, vùng miền núi làm cơ sở để hoàn thiện các chính sách hỗ trợ đầu tư đến đối tượng cụ thể; chủ trì phối hợp chặt chẽ với Sở, Ban ngành liên quan và các huyện miền núi xây dựng các đề án, dự án quy hoạch về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội miền núi; tham mưu cho UBND tỉnh trong chỉ đạo thực hiện tốt về chương trình ĐCĐC, dự án chuyển giao khoa học công nghệ; chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn; chính sách trợ giá, trợ cước cho miền núi. Đặc biệt là thực hiện dự án xây dựng Trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao Tà Rụt huyện ĐaKrông- một trong hai dự án TTCX đầu tiên trong cả nước.

5. Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị (năm 2004 đến nay)

Đến năm 2004, thực hiện theo Nghị định số 53/2004/NĐ-CP của Chính phủ kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc, Ban Dân tộc và Miền núi đổi tên thành Ban Dân tộc cho đến nay. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được Ban Dân tộc tiếp tục xây dựng đề án tham mưu UBND chỉ đạo các ngành và các huyện thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và quản lý ở vùng dân tộc và miền núi:

Xây dựng, tổ chức thực hiện một số chương trình, đề án, dự án trọng điểm như Chương trình 135, chính sách 134, hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu của Nghị quyết 39/NQ-TW. Rà soát, tổng kết đánh giá việc tổ chức thực hiện các chính sách hiện hành, bổ sung, sửa đổi một số chính sách theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành để giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phấn đấu vươn lên hòa nhập với sự phát triển chung. Các lĩnh vực được tập trung phát triển: Phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực; đào tạo cán bộ cho hệ thống chính trị cơ sở; phát triển văn hóa; giao đất, khoán rừng…

Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về công tác Dân tộc và Đại đoàn kết dân tộc, làm cơ sở để Tỉnh uỷ ra Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động phân công, phân cấp theo quy chế, quy trình phối hợp có hiệu quả trong lĩnh vực công tác dân tộc.

Huy động các nguồn vốn và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư; xây dựng chương trình, kế hoạch và định kỳ kiểm tra, thanh tra, tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách, chương trình, dự án ở vùng dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia thực hiện chính sách dân tộc; tổ chức tốt các phong trào tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, trong cùng dân tộc, trong cộng đồng làng, bản; tổ chức hoạt động kết nghĩa giữa các đơn vị, địa phương nhằm tương trợ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết khó khăn trong cuộc sống.

Nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc, công tác định canh - định cư phục vụ xây dựng quy hoạch, chính sách, chương trình, dự án phát triển vùng dân tộc thiểu số; Nghiên cứu đặc điểm, bản sắc văn hoá các dân tộc, cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của các dân tộc; đề xuất những giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc. Tổng hợp thu thập số liệu thống kê về tình hình vùng dân tộc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và Uỷ ban Dân tộc; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thiên tai, lũ lụt... vùng dân tộc thiểu số để có giải pháp ứng phó kịp thời.

Bên cạnh công tác chuyên môn, Ban Dân tộc đã chủ động đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo một số hoạt động khác như: Tổ chức Đoàn già làng, trưởng bản dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong chiến đấu và xây dựng thăm thủ đô Hà Nội, báo công trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp 46 năm đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô vinh dự mang họ Hồ của Bác. Tổ chức cho 113 em học sinh xuất sắc là con em đồng bào dân tộc thiểu số giao lưu với chủ đề "Tháng Năm nhớ Bác". Tổ chức Hội nghị biểu dương 150 đại biểu đại diện cho thế hệ già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số có thành tích trong công cuộc xây dựng quê hương và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phối hợp thực hiện xây dựng bộ sách học tiếng Bru-Vân Kiều làm cơ sở giảng dạy và học tập cho cán bộ công tác ở vùng miền núi....

Phát huy những thành tích đã đạt được, lãnh đạo Ban cũng như toàn thể công chức trong đơn vị không ngừng nỗ lực nghiên cứu đổi mới nội dung và phương pháp công tác dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) về công tác Dân tộc; quán triệt phương châm “Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc, sử dụng nhiều phương pháp phù hợp với đặc thù từng dân tộc, từng địa phương”. Vì vậy, đã thực hiện rà soát, điều chỉnh bổ sung hoàn chỉnh những chính sách đã có; đi sâu điều tra, nghiên cứu thực tế, đặc thù của mỗi một vùng dân tộc Vân Kiều, Pa Cô theo từng địa bàn cụ thể tìm ra những trở ngại ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn cùng những vấn đề đặt ra trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, quốc phòng, an ninh trên địa bàn để đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Uỷ ban Dân tộc trong ban hành và áp dụng chính sách cho từng vùng, từng dân tộc… đáp ứng yêu cầu của công tác dân tộc trong giai đoạn mới. Đề án hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số” theo Nghị quyết 9g/NQ-HĐND được Ban Dân tộc hoàn thành năm 2008 trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, khủng hoảng kinh tế chung là kết quả của sự vận dụng linh hoạt trong việc huy động nguồn kinh phí hỗ trợ, đối ứng của các dự án tài trợ; đề xuất tăng định mức, khai thác nguồn nhân lực vật lực tại chổ như nguyên liệu, kích thích doanh nghiệp tham gia cùng thực hiện đã mang lại sự phấn khởi, niềm tin yêu của đồng bào với Đảng, Bác Hồ, với cuộc sống hôm nay.

Song song với việc xây dựng và hoàn thiện chính sách theo hướng ưu tiên trực tiếp đầu tư cho vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Tổ chức quản lý chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Chương trình dự án, chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc. Lãnh đạo Ban cùng với anh em thường xuyên tăng cường công tác nắm tình hình cơ bản, vấn đề bức xúc và tâm tư nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số cũng như là công tác đào tạo cán bộ cơ sở và công đồng. Tạo điều kiện thuận lợi để con em đồng bào dân tộc được học tập, nghiên cứu và được bố trí việc làm. Phối hợp với Sở Gáo dục và Đào tạo và các chuyên ngành liên quan thực hiện công tác tuyển sinh theo chế độ cử tuyển năm 2009 cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; Phối hợp với các Sở, địa phương liên quan kiểm tra kế hoạch thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, trợ giá trợ cước...; Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động thương binh và Xã hội tiệp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình xoá đói giảm nghèo giai đoạn  2006-2010 theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh. Phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/2008/NQ-HĐND về chính sách và kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở người dân tộc thiểu số từ năm 2008-2010, chiến lược đến năm 2010. Thực hiện chỉ đạo các dự án đầu tư, chính sách hỗ trợ Chương trình 135 giai đoạn II; Thực hiện chính sách định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2010 theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg. Triển khai thực hiện các dự án định canh định cư do Ban làm chủ đầu tư. Tham mưu cho UBND tỉnh, phối hợp các Sở, ban ngành liên quan trong chỉ đạo thực hiện đề án hỗ trợ đầu tư cho huyện nghèo Đakrông. Tiếp tục rà soát đề xuất các chính sách thích hợp cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số sau khi kết thúc Chương trình 134 vào cuối năm 2008; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các chương trình, chính sách cũng như vụ việc nổi cộm phát sinh ở vùng dân tộc và miền núi.

Bước sang năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kịnh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015. Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị định của Chính phủ về công tác Dân tộc. Ban Dân tộc  đã đề xuất giải pháp tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong chỉ đạo, quản lý nội dung thực hiện chính sách Dân tộc và công tác Dân tộc kế hoạch giai đoạn 2011-2015 theo Chỉ thị số 1971/CT-Tg ngày 27/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân tộc thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá với mục tiêu “Phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, giảm nghèo nhanh và bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

 Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu thống nhất về tình hình kinh tế - xã hội và đánh giá kết quả việc thực hiện các chương trình dự án, chính sách ở vùng dân tộc thiểu số, phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác Dân tộc ở địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nhất là các chủ trương, chính sách để nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS. Vận động, hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào để họ có ý thức tự vươn lên thoát nghèo.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các chương trình, chính sách được UBND tỉnh giao cho Ban Dân tộc trực tiếp quản lý và điều hành. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, chỉ đạo các công trình, dự án một cách có hiệu quả.  Kiện toàn công tác tổ chức; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động của cơ quan; quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp với tình hình thực tiễn. Vì vậy, năm 2011 trong bối cảnh có những khó khăn chung của cả nước và của tỉnh về việc khủng hoảng  kinh tế, ảnh hưởng to lớn của việc biến đổi khí hậu nhưng với những giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên lĩnh vực công tác và chính sách dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả phát triển trên các mặt, thể hiện qua các chỉ tiêu: Số hộ nghèo toàn vùng: 10.567 hộ, tỷ lệ 31,72% (giảm 3,3% so với năm 2010 đánh giá theo tiêu chí mới); số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 8.181 hộ, tỷ lệ 36,35% (giảm 3% so với năm 2010 đánh giá theo tiêu chí mới). Lương thực bình quân đầu người 350kg. Tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới 90%. Tỷ lệ số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 80%. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi bậc tiểu học đến trường đạt 96%. Trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo. Tình hình an ninh vùng biên giới luôn được giữ vững. Các lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số được tổ chức thường xuyên góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2011 nhiều huyện, xã đã tổ chức Lễ hội chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 tạo tinh thần phấn khởi tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong vùng.

Không dừng lại ở đó, Ban Dân tộc tiếp tục chủ trì, phối hợp các ngành và địa phương liên quan xây dựng chiến lược công tác Dân tộc giai đoạn 2011-2020; Xây dựng Chương trình hành động thực hiện về công tác Dân tộc theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV báo cáo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; xây dựng Đề án Giảm nghèo nhanh và bền vững các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% (ngoài huyện ĐaKrông). Đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác Dân tộc báo cáo Tỉnh ủy để đăng ký làm việc với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.

 Phối hợp các Sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện triển khai thực hiện nguồn kinh phí phân bổ cho các chương trình, chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ người dân hộ nghèo vùng khó khăn năm 2011; điều chỉnh nội dung Đề án 3830 về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phối hợp Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội thể dục thể thao các dân tộc thiểu số.

Thực hiện công tác đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư ở vùng dân tộc thiểu số như kiểm tra xác minh kết quả hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện Hướng Hoá; tham mưu UBND tỉnh trong chỉ đạo công tác phối hợp với Kiểm toán Nhà nước về thực hiện Chương trình 135 năm 2010.

Phối hợp Sở Nội vụ, UBND các huyện Hướng Hóa, ĐaKrông trong công tác kiện toàn hệ thống tổ chức, thành lập Phòng Dân tộc cấp huyện theo quyết định của UBND tỉnh. Đến thời điểm 30/6/2011, các huyện Hướng Hóa, ĐaKrông đã thành lập Phòng Dân tộc và đi vào họat động.

Với những kết quả đã đạt được tập thể Ban Dân tộc được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng Bằng khen cho Tập thể đã có nhiều thành tích trong công tác Dân vận Chính quyền giai đoạn 2000-2010, Tập thể đã có nhiều thành tích trong việc thực hiện các chính sách dân tộc giai đoạn 2006-2010, Chi bộ 08 năm liền đạt danh hiệu chi bộ trong sạch vững mạnh. Tập thể và nhiều cá nhân trong đơn vị được Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh tặng Bằng khen. Huân chương lao động hạng III của Chủ tịch nước CHXHCNVN trao tặng năm 2008 và Cờ thi đua năm 2011 của Ủy Ban Dân tộc trao tặng là phần thưởng vinh dự cao quý ghi nhận nỗ lực phấn đấu của Ban Dân tộc tỉnh trong những năm qua.

Hơn 50 năm phấn đấu và trưởng thành từ Ban Chỉ đạo miền núi khu vực Vĩnh Linh đến Ban Dân tộc hôm nay là một chặng đường lịch sử đầy gian nan, thử thách nhưng cũng rất đỗi tự hào. Phần thưởng Huân chương lao động hạng III , Cờ thi đua của Ủy ban Dân tộc và danh hiệu “ Đơn vị văn hóa cơ sở” của Đảng và Nhà nước trao tặng và những phần thường cao quý khác là một sự cổ vũ, động viên  anh em cán bộ công chức làm công tác dân tộc phát huy hơn nữa truyền thống anh hùng vượt qua những khó khăn thử thách để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.

Mai Hương (tháng 4/2012)

]]>

 
ab
Chương trình 135
Điều tra 53 dân tộc

Đang truy cập: 20

Hôm nay: 1023

Tổng lượt truy cập: 2.268.507