Chi tiết - Ban Dân tộc

Tự nguyện xin "chia tay"... hộ nghèo

Chuyện đặc biệt của những hộ dân  đồng bào thiểu số Vân Kiều - Pa Cô ở vùng cao Quảng Trị khiến con đường dẫn chúng tôi đến những bản xa giữa tĩnh lặng núi rừng cũng trở nên tưng bừng, rộn rã. Và đến khi chạm vào những điều tưởng rất đỗi bình thường ấy, chúng tôi càng hiểu giá trị cuộc sống thêm bội phần tốt đẹp đến nhường nào.

Xã Hướng Lập (H.Hướng Hóa) ở phía tây, là địa bàn biên giới đồng thời giáp ranh với tỉnh Quảng Bình. Cư dân nơi đây chủ yếu là đồng bào thiểu số Vân Kiều, đời sống khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Chính vì thế, khi ai đó đời sống vẫn ngổn ngang khó khăn nhưng đã tiên phong xin thoát nghèo quả là một bước chuyển nhận thức gây ngạc nhiên đến cảm phục.

Căn nhà sàn của góa phụ Hồ Thị Chưng (58 tuổi, bản A Xóc - Cha Lỳ) xây bằng những liếp phên đã cũ, mái lợp cũng xuống cấp rất cần sửa chữa, bên trong cũng không có nhiều tiện nghi, ai nấy đặt câu hỏi liệu xin thoát nghèo có quá sớm không? Đáp lại là nụ cười hiền nhưng đầy tự tin của người phụ nữ nghị lực. "Nhà có 5 đứa con, bố chúng nó ốm đau rồi mất nhiều năm trước, mấy mẹ con nương tựa vào nhau, được hưởng nhiều chế độ hộ nghèo nên mới qua dần các khó khăn. Chừ con đã lớn dần, bản thân tôi còn sức khỏe, có sào ruộng nước thêm 1.000 cây bời lời đó, nên tôi mạnh dạn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo", chị Chưng vừa chia sẻ nhưng cũng như muốn xua đi những ánh mắt còn lo lắng, ái ngại.

Với người dân A Xóc - Cha Lỳ, vẫn chưa quên buổi họp xét hộ nghèo vào gần cuối năm 2019 khi góa phụ Chưng giơ tay xin được thoát nghèo, đồng nghĩa "chia tay" những chế độ hỗ trợ được thụ hưởng bao lâu nay. Nhiều tiếng ồ lên nhưng sau đó sâu lắng trước trình bày của chị. "So với nhiều nhà, trường hợp của tôi vẫn khó khăn hơn nhưng phải cố gắng để thoát nghèo, cũng là để con cháu noi gương để vươn lên trong cuộc sống", chị Chưng dứt lời là những tiếng vỗ tay vang lên giữa hội trường bản. Cũng chính trong buổi họp này, còn có chị Hồ Thị Lý, một phụ nữ trẻ tiên phong tự nguyện thoát nghèo. So hoàn cảnh thực tế, chị Lý có "nhỉnh" hơn chị Chưng nhưng gặp cảnh hôn nhân không may mắn, đơn thân nuôi con nhiều năm qua. Thế nhưng với ý chí của một người trẻ, chị Lý từng ngày vươn lên và tính toán kỹ sinh kế cho việc thoát nghèo bền vững. "Phải suy nghĩ làm như thế nào để thoát nghèo, như nuôi gà, lợn, trồng sắn, ngô...", chị Lý chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, chị Hồ Thị Thu Nhường - Chủ tịch Hội LHPN H.Hướng Hóa cho hay, xã Hướng Lập vừa qua có 3 hộ tiên phong tự nguyện thoát nghèo, ý chí nghị lực của họ thực sự là làn gió lan tỏa đến nỗ lực, phấn đấu đến nhiều hộ khác. Cũng theo chị Nhường, Hội sẽ tìm các nguồn vốn vay, hỗ trợ việc làm để các chị thoát nghèo bền vững, trong đó có cả việc vận động giúp đỡ sửa chữa nhà cửa như đối với trường hợp chị Chưng.

 Hội Liên hiệp Phụ nữ  huyện Hướng Hóa quan tâm, chia sẻ với chị Lý

Gặp nhiều người dân các bản của Hướng Lập và hỏi về những hộ tiên phong như chị Chưng, chị Lý... ai nấy đều bày tỏ sự cảm phục. "Quyết tâm của họ có cơ sở nhưng trước hết phải thừa nhận dám dứt "bầu sữa" hỗ trợ là vô cùng bản lĩnh, đáng để học tập, không như nhiều người cứ ỷ lại", anh Hồ Văn Linh (H. Hướng Lập) cho biết.

Mang câu chuyện vui của những hộ dân A Xóc - Cha Lỳ sang đến phía nam H. Đakrông, chúng tôi lại nhận được nhiều tín hiệu vui xóa đói, giảm nghèo tại 1 trong 62 huyện nghèo nhất nước. Trong đó, địa bàn xã biên giới A Ngo được gọi tên đầy ấn tượng. Năm 2019, toàn xã giảm hơn 35 hộ nghèo thì có đến 6 hộ dân viết đơn tự nguyện xin "chia tay" hộ nghèo. Điểm chung ở những hộ này là có thái độ và nhận thức rất tích cực trước một việc sẽ tác động ít nhiều đến đời sống của họ lâu nay. "Nếu họ không tự nguyện thì cũng không ai đẩy họ ra, chính điều đó càng cho thấy những hỗ trợ bao năm qua từ Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã cho họ sự tự tin, vững vàng để vươn lên trong cuộc sống", anh Hồ Văn Kháng - người dân địa phương bày tỏ.

                                                                                                              (Nguồn: cadn.com.vn)

 
ab
Chương trình 135
Điều tra 53 dân tộc

Đang truy cập: 11

Hôm nay: 1130

Tổng lượt truy cập: 2.268.614