Chi tiết - Ban Dân tộc

Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị với Văn phòng Plan tại Quảng Trị về Dự án “Tiến về phía trước – Cải thiện chất lượng cuộc sống của các nhóm cộng đồng đặc biệt khó khăn tại tỉnh Quảng Trị”, trong hai ngày 22, 23 tháng 6 năm 2023, tại thành phố Đông Hà, Ban Dân tộc đã tổ chức 02 Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình xây dựng công trình quy mô nhỏ dành cho các xã thuộc vùng dự án Plan của hai huyện Hướng Hóa và ĐaKrông.

(Ảnh: Ông Trương Chí Hiếu, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh chủ trì Hội thảo)

Ông Trương Chí Hiếu, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh chủ trì các Hội thảo. Tại mỗi Hội thảo có gần 40 đại biểu tham gia, bao gồm đại diện Tổ chức Plan tại Quảng Trị; đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Người khuyết tật, Phòng Dân tộc, Phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện Hướng Hóa, Đa Krông; đại diện UBND, Ban điều hành, Ban dự án, Hội phụ nữ, Ban Giám sát thôn của các xã Hướng Lộc, Lìa, Ba Tầng thuộc huyện Hướng Hóa và các xã Tà Rụt, Tà Long, Đakrông thuộc huyện Đakrông.

 

(Ảnh: Đại diện các xã vùng Dự án báo cáo tham luận)

Tại các Hội thảo, đại diện các xã thuộc vùng dự án đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện và chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng công trình quy mô nhỏ trên địa bàn. Các đại biểu tham gia Hội thảo cũng đã sôi nổi thảo luận để làm rõ thêm một số nội dung như: Làm thế nào để lựa chọn công trình vừa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của cộng đồng, vừa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng thôn, bản; Làm thế nào để phát huy hơn nữa được sự tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng các công trình quy mô nhỏ; Những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các công trình vừa qua; Cơ hội, thách thức khi thực hiện mô hình giao cho cộng đồng quản lý, thực hiện xây dựng những công trình quy mô nhỏ trong thời gian tới.

(Ảnh: Các đại biểu tham gia Hội thảo chia nhóm thảo luận)

Các ý kiến phát biểu chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện các công trình quy mô nhỏ tại Hội thảo tập trung vào một số nội dung cơ bản như sau: (i) Việc quản lý, tổ chức thực hiện xây dựng công trình trên cơ sở tham gia của cộng đồng (bao gồm các đối tượng yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, ...) theo nguyên tắc minh bạch, tích cực đối thoại là rất cần thiết trong xây dựng các công trình hạ tầng quy mô nhỏ. (ii) Việc thành lập các tổ chức có trách nhiệm quản lý hoạt động xây dựng công trình quy mô nhỏ ở cấp thôn, bản như Ban Dự án, Ban Giám sát và trình độ, mức độ am hiểu công việc, sự tích cực của lãnh đạo các tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, phát huy sự tham gia của cộng đồng. Từ đó, giúp cho việc thực hiện công trình đảm bảo đúng quy trình, tiến độ, chất lượng và dự toán. (iii) Trước khi tiến hành xây dựng, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình đối với công trình. Đây là cơ sở để  người dân có thể tham gia một cách chủ động, tích cực vào quá trình xây dựng, duy tu, bảo dưỡng. (iv) Cần tăng cường công tác hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cho cộng đồng, đặc biệt là những thành viên các tổ chức có trách nhiệm quản lý hoạt động xây dựng công trình quy mô nhỏ ở cấp thôn, bản. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, trình độ, năng lực của cộng đồng người dân tộc thiểu số còn hạn chế và việc giao cho cộng đồng tự tổ chức thực hiện xây dựng các công trình còn khá mới mẻ. (v) Chính quyền địa phương, các tổ chức hỗ trợ phát triển như các NGOs và cộng đồng cần tiếp tục chủ động, tích cực tìm kiếm các nguồn vốn hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau. Trên cơ sở đó tiến hành lồng ghép, kết hợp các nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. 

Phát biểu tổng kết các Hội thảo, Ông Trương Chí Hiếu, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh đã khẳng định: Chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho cơ sở là đúng đắn và cần thiết nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm, nâng cao năng lực quản lý của chính quyền cấp cơ sở; Chính quyền cấp cơ sở, cộng đồng và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoàn toàn đủ năng lực tổ chức thực hiện xây dựng các công trình quy mô nhỏ phục vụ dân sinh và sản xuất trên địa bàn, qua đó tự đúc rút kinh nghiệm, nâng cao năng lực để có thể tự tổ chức, điều hành thực hiện những công trình quy mô lớn hơn; Nhu cầu về xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ vùng đồng bào vùng dân tộc thiểu số là rất lớn. Do đó, việc huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực khác nhau là rất quan trọng. Hơn nữa, qua đó còn phát huy được vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm của nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết trong cộng đồng.

(Ảnh: Đại diện các phòng, ban cấp huyện phát biểu tại Hội thảo)

Ông Trương Chí Hiếu cũng đã bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, tổ chức Plan tại Quảng Trị tiếp tục đồng hành với các cấp chính quyền địa phương, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho các xã vùng dự án hoàn thiện cơ sở hạ tầng từng bước phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh nhà. Đồng thời, thay mặt cơ quan Ban Dân tộc tỉnh, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để từ đó tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền hoàn thiện hơn cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các nội dung trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phục vụ ngày càng tốt hơn quá trình phát triển bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị. 

Bài và ảnh: Lê Thọ Sanh

Hiệp định CPTPP và EVFTA
EVFTA
ab
Chương trình 135
Điều tra 53 dân tộc

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 606

Tổng lượt truy cập: 2.165.534